Bối cảnh Chiến tranh Ba Lan–Ukraina

Chiến tranh Ba Lan–Ukraina và Ba Lan–Xô viết đầu năm 1919.

Nguồn gốc của xung đột nằm ở tình hình dân tộc phức tạp tại Galicia vào đầu thế kỷ 20. Do Nhà Habsburg khoan dung tương đối với các dân tộc thiểu số, Áo-Hung là nền tảng hoàn hảo cho sự phát triển của cả các phong trào dân tộc Ba Lan và Ukraina. Trong Cách mạng 1848, Áo lo ngại trước các yêu cầu của người Ba Lan về quyền tự trị lớn hơn trong tỉnh, nên họ ủng hộ một nhóm nhỏ người Ruthenia, là tên gọi của những người Đông Slav sau này chấp nhận tên là "người Ukraina" hoặc "người Rusyn"; mục tiêu của người Ruthenia là được công nhận là một dân tộc riêng biệt.[3][4]

Các trường dạy tiếng Ruthenia được thành lập, các đảng chính trị Ruthenia được thành lập và bắt đầu có những nỗ lực để phát triển văn hóa dân tộc của họ.[3][5] Điều này gây ngạc nhiên cho một số người Ba Lan, vì cho đến trước cuộc cách mạng họ cùng với hầu hết những người Ruthenia có ý thức chính trị cho rằng người Ruthenia là một phần của "dân tộc Ba Lan", lúc đó được định nghĩa theo thuật ngữ chính trị thay vì dân tộc học.[4] Vào cuối thập niên 1890 và những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, giới trí thức dân túy Ruthenia sử dụng thuật ngữ người Ukraina để mô tả dân tộc của họ.[6] Họ nỗ lực quảng bá văn hóa dân tộc, bao gồm các nỗ lực hướng tới tiêu chuẩn hóa ngôn ngữ Ukraina, đồng thời thành lập và hỗ trợ các tổ chức văn hóa Ukraina như hiệp hội khoa học, nhà hát và bảo tàng dân tộc tại Lviv; bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, ý thức dân tộc phát triển trong cộng đồng dân cư Ruthenia, lúc này họ chủ yếu là người dân nông thôn.[7]

Nhiều sự cố giữa hai dân tộc xảy ra trong suốt cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Chẳng hạn như giới cầm quyền Ba Lan phản đối người Ukraina trong cuộc bầu cử nghị viện năm 1897. Một cuộc xung đột khác phát triển vào năm 1901 đến năm 1908 xung quanh Đại học Lviv vì sinh viên Ukraina yêu cầu một trường đại học Ukraina riêng biệt, nhưng sinh viên và giảng viên Ba Lan cố gắng đàn áp phong trào. Đến năm 1903, cả người Ba Lan và người Ukraina đều tổ chức các hội nghị riêng biệt tại Lviv: người Ba Lan vào tháng 5 và người Ukraina vào tháng 8. Sau đó, hai phong trào dân tộc phát triển với mục tiêu trái ngược nhau, là nguyên nhân dẫn đến xung đột sau này.

Thành phần dân tộc của Galicia là nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa người Ba Lan và người Ukraina tại đây. Tỉnh Galicia của Áo bao gồm lãnh thổ tỉnh Ruthenia là một phần của Ba Lantừ năm 1434, và bị Áo chiếm giữ vào năm 1772 trong phân chia Ba Lan lần đầu tiên. Vùng đất này bao gồm lãnh thổ có tầm quan trọng lịch sử đối với Ba Lan, bao gồm cố đô Kraków, và có phần lớn dân số là người Ba Lan, nhưng Đông Galicia bao gồm vùng trung tâm của lãnh thổ lịch sử Galicia-Volyn và có người Ukraina chiếm đa số.[8] Ở miền đông Galicia, người Ukraina chiếm khoảng 65% dân số và người Ba Lan chỉ chiếm 22% dân số.[9]

Trong số 44 đơn vị hành chính của miền đông Galicia thuộc Áo, Lviv (tiếng Ba Lan: Lwów, tiếng Đức: Lemberg) là thành phố lớn nhất và là thủ phủ tỉnh, cũng là nơi duy nhất mà người Ba Lan chiếm đa số dân số.[10] Ở Lviv, dân số năm 1910 có xấp xỉ 60% là người Ba Lan[11] và 17% là người Ukraina. Người Ba Lan nhìn nhận Lviv là một trong những thủ đô văn hóa của Ba Lan và việc không kiểm soát được thành phố là điều không thể tưởng tượng được đối với họ.[12][13]

Sự phân chia tôn giáo và sắc tộc tương ứng với phân tầng xã hội. Tầng lớp xã hội hàng đầu của Galicia là quý tộc Ba Lan hoặc hậu duệ của dòng dõi quý tộc Rus' đã bị Ba Lan hóa trong quá khứ, nhưng ở miền đông của tỉnh, người Ruthenia (người Ukraina) chiếm đa số nông dân.[14][15] Người Ba Lan và người Do Thái kiểm soát phần lớn quá trình phát triển thương mại và công nghiệp tại Galicia vào cuối thế kỷ 19.[16]

Trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, người Ukraina địa phương cố gắng thuyết phục Áo chia Galicia thành các tỉnh miền Tây (người Ba Lan) và miền Đông (người Ukraina). Người Ba Lan địa phương phản đối và cản trở các nỗ lực này, họ lo sợ mất quyền kiểm soát Lviv và Đông Galicia. Áo cuối cùng đồng ý trên nguyên tắc về việc chia tách tỉnh Galicia. Vào tháng 10 năm 1916, Hoàng đế Karl I hứa sẽ làm như vậy sau khi chiến tranh kết thúc.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến tranh Ba Lan–Ukraina http://www.encyclopediaofukraine.com/display.asp?l... https://web.archive.org/web/20150814012731/http://... http://www.wcfia.harvard.edu/sites/default/files/8... https://web.archive.org/web/20110325173211/http://... http://www.encyclopediaofukraine.com/display.asp?l... https://www.worldcat.org/issn/1558-5255 https://www.national.org.ua/library/lytwyn.html http://www.encyclopediaofukraine.com/display.asp?A... https://web.archive.org/web/20121012143822/http://... https://www.tygodnikprzeglad.pl/ani-pogrom-ani-odw...